Thân thế và cuộc sống ban đầu Tống_Độ_Tông

Triệu Mạnh Khải chào đời vào ngày 2 tháng 5 năm 1240, tức ngày 9 tháng 4 ÂL năm Gia Hi thứ tư đời vua Lý Tông triều Nam Tống[3] tại phủ Vinh vương, đất Thiệu Hưng[4]. Lúc trước, Vinh Văn Cung vương phu nhân, tức mẫu thân ruột của Lý Tông (và Vinh vương Dữ Nhuế) là Toàn thị nằm mộng thấy có vị thần đến nói với mình

Đứa bé này có đế mệnh, nhưng không phải là do sở hữu của nhà nó.

Sau đó Vinh vương phu nhân Tiền thị (vợ cả của Dữ Nhuế) cũng mộng thấy ánh sáng chiếu vào nội thất ở phía đông. Vào đêm đó, mẫu thân Mạnh Khải, tức Hoàng thị cũng mộng thấy có thần nhân áp một con rồng vào bụng mình. Khi Đế chào đời, có ánh sáng màu đỏ chiếu xuống khắp nhà[3]. Về sau Mạnh Khải lên bảy tuổi mới bắt đầu học nói nhưng vừa học đã biết nói trôi chảy, Lý Tông cảm thấy ngạc nhiên. Vì các con của Lý Tông đều được sinh ra nhưng không nuôi được nên Lý Tông phải chọn hoàng tự ở nhánh khác, khi đó đã có ý chọn ông. Ngày Kỉ Sửu tháng 10 ÂL năm Thuần Hựu thứ 6 (1246), ông được ban tên là Mạnh Khải[3], và với thân phận hoàng chất được phong chức thứ sử Quý châu, được đặc cách vào trong cung để học. Ngày Ất Mão tháng giêng ÂL năm thứ 7 (1247), được nhận chức Nghi châu quan sát sứ. Ngày Ất Tị tháng 1 ÂL năm thứ 9 (1249) được phong Khánh Viễn quân tiết độ sứ, tước Ích quốc công. Ngày Nhâm Tuất tháng giêng ÂL năm 11 (1151), Lý Tông đổi tên cho ông là Triệu Tư, tiến phong Kiến An quận vương. Ngày Canh Thìn tháng giêng ÂL năm Bảo Hựu nguyên niên (1153), có chiếu lập Triệu Tư làm hoàng tử, đổi tên lại là Triệu Kì. Ngày Quý Mùi, được phong Sùng Khánh quân tiết độ sứ, Khai phủ nghi đồng tam ti, tước Vĩnh Gia quận vương. Tháng 7 ÂL năm thứ 2 (1254), Lý Tông lại phong ông làm Tông chính thiếu khanh thái kháng kiêm dực thiện. Lúc này triều đình vừa lập Tư thiện đường, Lý Tông còn cho viết Đường Ký rồi ban tặng cho Triệu Kì[3]. Ngày Quý Dậu tháng 10 ÂL cùng năm, ông được tiến phong tước vị Trung vương. Ngày Nhâm Dần tháng 11 ÂL, gia nguyên phục, được ban tự là Bang Thọ. Ngày Canh Tí tháng 10 ÂL năm thứ 5 (1257), thụ Trấn Nam, Toại An quân tiết độ sứ (chức vị trên danh nghĩa)[3].

Sự thật thì năm xưa mẹ đẻ của ông, Tề phu nhân Hoàng Định Hỉ(齊夫人 黃定喜) không muốn giữ ông vì địa vị xã hội thấp kém của bà nên bà đã uống thuốc sẩy thai khi mang thai ông. Mặc dù Độ Tông vẫn chào đời nhưng do bị nhiễm độc từ thuốc sẩy thai năm đó khiến ông bị khiếm quyết về kiến thức, tay chân ông mềm nhũng và ông gần như không thể nói như người bình thường cho tới khi ông 7 tuổi. Mặc dù Lý Tông biết về sự khiếm quyết của ông nhưng vẵn chọn ông là người kế thừa ngay cả khi triều thần phản đối. Những câu chuyện li kỳ về Triệu Kỳ là do Lý Tông giả tạo ra để thuyết phục quần thần về việc chọn ông làm thái tử.

Sau chiến thắng của triều Tống trước sự xâm lược của quân Mông Cổ, thừa tướng Giả Tự Đạo dâng biểu thỉnh lập thái tử. Ngày Nhâm Dần tháng 6 năm Cảnh Định nguyên niên (1260), Triệu Kì chính thức được sách phong làm hoàng thái tử, được ban tự là Trường Nguyên. Lý Tông sai Dương Đống, Diệp Mộng Đỉnh làm Thái tử chiêm sự. Ngày Đinh Mão tháng 7 ÂL, Triệu Kì được vào ở Đông cung. Ngày Quý Mùi chính thức hành sách lễ. Việc Lý Tông lập Triệu Kì làm thái tử khiến không ít đại thần lên tiếng phản đối. Đại thần Ngô Tiềm đã từng mật tấu với Lý Tông rằng

Thần không có tài nhìn xa, nhưng cũng biết Trung vương không phải là phúc của bệ hạ.

Lý Tông vẫn không thay đổi quyết định vì nghĩ đến tình huynh đệ với Vinh vương Dữ Nhuế. Sau cùng thì Ngô Tiềm vì việc này mà bị Giả Tự Đạo hãm hại[5]. Lý Tông giáo dục thái tử rất nghiêm, đặt lệ tờ mờ sáng phải tới vấn an các cung, một giờ sau hồi cung, lúc trời sáng hẳn thì ra triều nghe bàn luận về chính sự. Lúc thối triều lại phải vào giảng đường, nghe giảng quan giảng kinh nghĩa, rồi giảng sử sách, mỗi ngày ông bị ép phải đọc không biết bao nhiêu là sách. Có hôm Lý Tông còn triệu ông vào hỏi hôm sau học sách gì, nếu trả lời được thì ban tọa, ban trà; trả lời không được thì phải đứng trận lôi đình và bắt phải học lại. Ngày Quý Mão tháng 12 ÂL năm thứ 2 (1261), Vĩnh Gia quận phu nhân Toàn thị, vợ của Triệu Kì được sách phong làm thái tử phi[3].